10 việc cần làm trong dịp tết theo phong tục cổ truyền
Đó là những phong tục vô cùng độc đáo mà bạn nên làm vào những ngày cuối và đầu năm mới để đem phúc lộc đầy nhà!
Tết đến, Xuân về là dịp người Việt khắp nơi nô nức hân hoan đón chào. Đây là dịp để bạn được sum họp với người thân và cùng nhau tận hưởng không khí ấm áp của gia đình.
Nhưng không phải ai cũng biết những phong tục truyền thống cần làm và nên tránh để đem lại nhiều may mắn trong năm mới. Bởi vậy, hãy nắm trong tay Infographic dưới đây – và thần may mắn sẽ gõ cửa nhà bạn đấy!
Đây là phong tục của các cặp trai gái trong thời kỳ hứa hôn thời xưa. Trước Tết, người con rể tương lai phải mang lễ đến biếu bố mẹ vợ. Lễ vật đi “sêu” thường là bánh chưng, rượu, chú gà trống cùng với hoa quả. Đặc biệt không thể thiếu hương vòng – hương thơm, thắp cả ngày trên ban thờ tổ tiên trong 3 ngày Tết.
Trong ngày 30 Tết, trước mỗi cửa nhà sẽ dựng cây nêu (lên nêu) với dụng ý trừ tà quỷ. Nêu được làm từ cây tre, bỏ hết nhánh và lá tre, trên cây buộc một bó lá dứa, treo khánh đất, tiếng động phát ra mỗi khi gió rung để ma quỷ sợ hãi.
Chiều 29, 30 Tết, mọi người thường đun tắm nước lá mùi nhằm ý nghĩa xua tan đi những chuyện không hay, những bụi trần trong suốt một năm để chuẩn bị đón một năm mới đầy ý nghĩa. Hương cây mùi tạo cảm giác tinh khiết, nhẹ nhàng trước giờ khắc giao thời.
Vào chiều 30 Tết, mỗi nhà đều mua chút vôi rắc 4 góc nhà để xua đuổi tà ma đón năm mới. Một việc làm không thể thiếu nữa là quét nhà và đổ rác với mong muốn loại bỏ những vận rủi của năm cũ.
Người xưa luôn đề cao chuyện học nên tục “khai bút đầu xuân” thể hiện sự trân trọng đối với giá trị văn hóa truyền thống, dạy con cháu về đức tính hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc. Thời gian thực hiện nghi thức “khai bút” thường diễn ra sau lễ giao thừa.
Gắn với tục “khai bút”, người Việt còn có tục “xin chữ đầu năm”. Đây cũng là một cách thể hiện việc coi trọng chữ nghĩa và cầu mong mọi sự tốt lành.
Ngay sau khi Giao thừa hay vào sáng sớm mùng 1, một người trong gia đình sẽ mang thùng ra sông hoặc giếng để gánh nước về đổ đầy chum vại, với hy vọng sang năm mới “của cải như nước non”.
Theo quan niệm người xưa, muối là biểu tượng của tình cảm thắm thiết, mặn nồng, gắn kết, no đủ. Do đó, sáng mùng 1 Tết nhiều người thường mua muối với ý nghĩa cầu mong sự đậm đà trong tình cảm gia đình, sự hòa thuận, gắn bó giữa vợ chồng, con cái, láng giềng.
Theo tục lệ, người đến thăm gia đình đầu tiên trong năm mới gọi là người xông nhà hay xông đất, đạp đất. Người khách này sẽ đem đến điều may mắn hay rủi ro cho gia đình suốt năm đó nên gia chủ thường chọn người khách xông nhà rất kỹ.
Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy. Thời xưa, mọi người phải đi chúc Tết theo đúng thứ tự: cha, mẹ, thầy đồ.
Với ý nghĩa sâu sa của ông cha là luôn phải “lấy chữ hiếu làm đầu” nên vào ngày mùng 1, mỗi gia đình đều đến chúc Tết ông bà và lễ gia tiên. Sau đó, con cháu phải quỳ lạy sống các cụ (cố), ông bà, cha mẹ. Với người sống thì sẽ 2 lạy và 2 vái, người đã khuất thì 4 lạy, 4 vái.
Theo tục lệ xưa, sau khi chúc tết, con cháu sẽ được ông bà “lì xì” một phong bao màu đỏ bên trong đựng chút tiền lẻ gọi là lấy hên, mang lại niềm vui trong ngày đầu năm mới.
Và đây là những điều bạn “buộc phải nhớ” không nên làm vào những ngày đầu năm mới nhé!
Vào năm mới, nơi bạn sống còn có phong tục gì thú vị nữa không? Hãy cùng chia sẻ với bạn đọc khắp mọi miền bằng cách comment ở dưới nhé!