Chọn thiết bị vệ sinh theo chất liệu
Trước đây, khi nói đến thiết bị vệ sinh, người ta nghĩ ngay đến sứ. Nhưng hiện nay đã có nhiều chất liệu khác nhau để tạo nên thiết bị vệ sinh như sứ, đá tự nhiên, đá nhân tạo, kính, composite, arcrylic, inox…
Mỗi chủng loại mang nét đặc trưng riêng, cả về tính năng sử dụng, độ bền và yếu tố thẩm mỹ. Sự phong phú về chất liệu cung cấp cho người tiêu dùng nhiều cơ hội chọn lựa và cả sự… đắn đo. Vậy chọn chất liệu nào để có thiết bị vệ sinh phù hợp?
1. Sứ vệ sinh
Thế mạnh của sứ vệ sinh tráng men là nhẹ, pha tạo được nhiều sắc màu, mẫu mã và giá tương đối rẻ so với hàng nhập ngoại cũng như so với các chất liệu khác. Trang thiết bị phòng vệ sinh thường được sử dụng nhiều nhất là hàng sứ tráng men sản xuất trong nước do có giá vừa túi tiền, chỉ có hàng nhập của Italy, Tây Ban Nha thì rất cao. Đặc điểm của sứ vệ sinh sạch dễ lau chùi và mẫu mã không thua kém hàng ngoại nhập, biết phối màu và bố trí thì phòng cũng sang trọng không kém các chất liệu đắt tiền khác.
2. Đá tự nhiên và nhân tạo
Đá tự nhiên thường được dùng để làm mặt chậu rửa mặt, trang điểm, bàn để lồng bồn tắm… Sắc diện của đá tự nhiên đã tạo nên yếu tố thẩm mỹ cao vì không tấm nào giống nhau hay trùng lắp về vân hay màu. Tuy nhiên, đá thiên nhiên có độ mao rỗng trong cấu trúc nên dù bề mặt được mài phẳng nhưng vẫn có độ thấm nước và cũng có thể vỡ nếu va chạm mạnh.
Đá nhân tạo không nung, sử dụng khoảng 70% bột đá, đá nghiền tự nhiên và 30% là keo resin gốc polymer làm chất kết dính cứng và đúc theo khuôn mẫu. Do vậy, sản phẩm nhẹ hơn loại bằng đá tự nhiên khoảng 30%. Ví dụ, bồn cầu được đúc liền giữa bộ phận ngồi với két nước thành một khối, nắp cũng bằng đá và nặng khoảng 70 kg. Nhờ sử dụng bột đá tự nhiên và hóa màu nên có thể tạo thành các sắc diện chính như đá hoa cương, đá cẩm thạch, mã não… Do kết cấu cốt liệu khá đơn giản và kết dính bằng keo đặc biệt nên có thể chế tác sản phẩm đa dạng như bồn rửa mặt, bồn rửa chén, bồn cầu, bồn tắm, mặt bàn bếp, mặt bàn quầy, cột trang trí…
Lợi thế của việc “đúc nguội” là tạo được nhiều dáng dấp và kiểu cách. Chẳng hạn, bàn bếp hay bàn lavabo bằng đá tự nhiên thì phải khoét lỗ để lồng bồn rửa bằng chất liệu khác vào, nhưng sản phẩm bằng đá nhân tạo có thể đúc liền bàn và bồn thành một mặt mà không có khớp nối.
3. Thiết bị vệ sinh bằng kính, inox, composite
Kính trong thường được gia cường bằng phương pháp nung nóng chảy và làm nguội nhanh. Kính này ứng dụng tốt trong thể hiện các mặt, chân bàn, ngăn tủ cũng như bồn rửa trong phòng vệ sinh. Việc lau chùi tiện lợi và trông sạch sẽ. Hàng kính có giá tương đương với đá tự nhiên và trang bị sản phẩm bằng kính thường có tính hiện đại, sang với hiệu ứng thẩm mỹ đặc biệt.
Chất liệu inox cũng được dùng làm các loại bồn hay tạo mặt bàn nhưng nó chỉ có một màu kim khí. Ưu điểm là nhẹ, giá rẻ và vệ sinh sạch. Tuy nhiên, theo nhận xét của nhiều người đây là loại “tầm tầm bậc trung” trên thị trường hiện nay. Sản phẩm bằng inox không có vẻ mỹ thuật lắm và không tạo dáng tốt được do phải hàn, dập, gò. Một chất liệu nữa là nhựa composite. Sản phẩm chính thường thấy là bồn tắm và khay trong buồng tắm đứng vì nó chỉ tận dụng được một mặt làm láng, còn mặt trái vẫn để thô ráp, lộ ra những sợi thủy tinh.