Mâm cơm tất niên văn hóa 3 miền
Mâm cỗ ngày Tết thịnh soạn và đẹp mắt là cách con cháu thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên và tuỳ theo từng vùng miền mà cách bày mâm cỗ ngày Tết sẽ có những khác biệt. Hãy cùng senziny khám phá mâm cỗ ngày Tết của cả 3 miền Bắc Trung Nam để sẵn sàng cho một năm mới trọn vị khai xuân đang đến gần, bạn nhé.
1. Mâm cỗ miền bắc
Theo truyền thống của người miền Bắc, mâm cỗ lớn cúng Tết phải có 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa. Các món ăn quen thuộc gồm có: giò heo hầm măng, canh bóng thả, miến, bún mọc, thịt gà, thịt đông, nộm sứa, giò lụa, chả quế… Món bánh Tết phổ biến ở miền Bắc là bánh chưng ăn kèm với dưa hành. Ngoài ra, bạn có thể bày thêm món tráng miệng như mứt sen, mứt quất, mứt gừng, hồng khô…
2. Mâm cỗ miền trung
Mâm cỗ Tết ở miền Trung có nhiều món ăn chế biến từ thượng cầm (gia cầm biết bay: chim, gà, vịt…), hạ thú (gia súc trên mặt đất: heo, bò…) và thuỷ tộc (hải sản dưới nước: tôm, cua, cá…). Bạn có thể bày cả bánh chưng và bánh tét trên mâm cỗ cùng các món tráng miệng: mứt cam sành, mứt đu đủ, mứt bí đao… Nếu bày thêm bánh ngọt, bạn nên chọn các loại bánh làm từ bột ngũ cốc đóng khuôn hình chữ nhật và bọc hình hoa mai, hoa đào hay các chữ Phúc, Lộc, Thọ gói trong giấy ngũ sắc để mang lời chúc tốt lành vào đầu năm.
3. Mâm cỗ miền nam
Những món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết ở miền Nam là bánh tét ăn kèm dưa món, củ kiệu. Mâm cỗ ngày Tết của miền Nam cũng đa dạng hơn và gần như là sự kết hợp hài hoà các món ngon của nhiều vùng miền khác nhau. Các món mặn quen thuộc gồm có: tôm rim, thịt kho tàu, cuốn ram, gà rán, thịt phay, nem, chả, tré, thịt ngâm nước mắm… Các món nước phổ biến gồm có: canh hoa Kim Châm với tôm thịt, giò heo hầm, gà tiềm hạt sen…
Ý nghĩa chung nhất của mâm cỗ 3 miền chính là dâng những thức ăn ngon nhất của gia đình mình để mời ông bà cùng về ăn Tết và cầu mong mọi điều sung túc, may mắn cùng sức khỏe an khang sẽ đến với cả nhà trong năm mới.