Tết trung thu ở một số nước Đông Nam Á
Tết Trung Thu là một trong những lễ hội lớn và được chờ đợi nhất trong năm tại các nước châu Á.
Ở mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, mỗi vùng miền đều có những phong tục truyền thống đón Tết trung thu khác nhau. Hãy điểm qua một loạt các nước Đông Nam Á để xem người dân nơi đây chuẩn bị thế nào đón Tết trung thu nhé!
Thái Lan với nghi thức “cúng đào tiên, đón phúc lành”
Người Thái gọi Tết trung thu là “Lễ cầu trăng”. Sở dĩ có cái tên như vậy là vì vào đêm rằm tháng Tám tất cả mọi người trên khắp mọi miền đất nước đều tham gia vào một nghi thức tâm linh được gọi là lễ cúng trăng. Mọi người cùng nhau ngồi xuống cầu nguyện những điều tốt đẹp trước bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và Bát Tiên dựa trên truyền thuyết của Trung Quốc. Phía trên bàn thờ sẽ đặt quả đào và bánh trung thu, bởi theo quan niệm của người Thái, khi làm như vậy Bát Tiên sẽ mang quả đào đó tới cung trăng để chúc thọ Quan Âm, Quan Âm cũng như các vị thần tiên khác sẽ chứng giám cho những lời ước nguyện của mọi người.
Người dân Thái Lan với nghi thức cúng trăng độc đáo.
Bạn sẽ hóa thành vũ công nếu đến Lào trong đêm rằm tháng Tám
Tết Trung thu tại Lào còn gọi là Tết cầu phúc mặt Trăng, hay còn gọi là “nguyệt phúc tiết”. Vào ngày 15/8 âm lịch, nam nữ, già trẻ gái trai đều có phong tục ngồi ngắm trăng tròn. Khi trời tối, thanh niên nam nữ bắt đầu nhảy múa cho đến tận sáng hôm sau.
Sẽ thật tuyệt vời nếu trong đêm rằm trung thu mà tìm được ý trung nhân của mình nhỉ?
Đến Campuchia bạn sẽ được tha hồ nhét gạo vào miệng trẻ con
Cũng giống như các quốc gia khác, người dân Campuchia sẽ tổ chức lễ hội “bái nguyệt tiết”, tức ‘Lễ hội vái lạy mặt trăng” để cầu nguyện phước lành đến với mọi người. Khi ánh trăng vừa nhô lên qua những tán cây, người dân nước này sẽ bái nguyệt với tất cả lòng thành của mình. Lễ vật cúng trăng gồm có hoa tươi, súp sắn, gạo dẹt, nước mía. Sau khi bái nguyệt xong, mọi người sẽ lấy gạo dẹt nhét vào miệng trẻ con, nhét đến khi nào không thể nhét được nữa mới thôi. Vì người Campuchia quan niệm rằng việc làm đó sẽ cầu cho trẻ nhỏ được ăn uống dư dả, cuộc sống sung túc, viên mãn sau này.
Quốc vương Mianma xuất cung đón trăng rằm với dân thường
Người Mianma gọi Tết trung thu là Tết Quang Minh (hay còn gọi là tết ánh sáng). Bởi trong đêm rằm trung thu, đèn đuốc của hàng vạn nhà sáng rực cho đến tận sáng. Khắp thành phố nơi đâu cũng là “thành phố không đêm”. Quốc vương Mianma năm nào cũng đích thân chủ trì lễ hội. Quốc vương còn xuất cung đi ngắm đèn trong sự hộ tống của hàng trăm quân lính.
Đất nước Mianma rực sáng ánh đèn trong Tết trung thu.
Malaysia nổi tiếng với những chiếc bánh trung thu hình dáng ngộ nghĩnh, hấp dẫn.
Philippines, Indonesia: Các đoàn lân tràn ngập các con phố người Hoa
Hoa Kiều và người Hoa sinh sống tại Philippines hay Indonesia luôn có những hoạt động đặc sắc chào đón lễ hội trung thu hằng năm. Tại khu phố người Hoa, từng đoàn lân diễu hành tấp nập. Mọi người mặc trang phục dân tộc, đốt đèn lồng và ca hát tưng bừng.
Đèn lồng tràn ngập trên khắp các con phố.
Việt Nam – Trung thu là để về nhà
Việt Nam cũng có những cách đón trung thu rất riêng. Vào ngày này, thiếu nhi trên khắp cả nước háo hức chuẩn bị lồng đèn đủ hình dáng như lồng đèn ông sao, cá chép, bươm bướm… để cùng nhau tụ họp rước đèn tháng Tám.
Nụ cười của trẻ em Việt Nam khi cùng nhau rước đèn đêm trăng rằm.
Người lớn thì chuẩn bị đủ các loại bánh mứt như bánh trung thu, bánh dẻo, hạt sen, trà thơm để cúng rằm và cùng nhau thưởng thức dưới ánh trăng. Ngày này từ trong nhà ra ngoài ngõ đều ngập tràn ánh điện, trang trí đủ các loại màu sắc, các con đường trở nên tấp nập hơn. Các gia đình rủ nhau dạo phố, các bậc cha mẹ chở con đến các trung tâm thiếu nhi, công viên để vui chơi cùng nhau mừng ngày tết trung thu. Bên cạnh đó, đối với người Việt Nam, đây còn là dịp để các thành viên trong gia đình đoàn tụ, sum vầy bên nhau, cùng ăn bánh trung thu và kể chuyện thân tình. Bạn nào sống xa gia đình nếu có cơ hội hãy trở về ăn bữa cơm đoàn viên vào ngày rằm tháng Tám nhé!